Tuesday, May 29, 2012

Cơ hội thị trường Nhật Bản


Thứ Ba, 29/05/2012 10:46 (GMT+7)
Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, ngoài cao su và khoáng sản, các mặt hàng khác như dệt may, thủy sản, dây điện và dây cáp điện, giày dép cũng đang được ưa chuộng tại thị trường này. Cơ hội nhiều nhưng để khai thác được thị trường khó tính này, theo các chuyên gia, DN cần hiểu rõ tập quán kinh doanh người Nhật.
Cơ hội lớn
Theo Bộ Công Thương, tháng 3-2012, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt khoảng 1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I lên 2,86 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ. Nếu những quý tiếp theo xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng này, mục tiêu xuất khẩu cả năm 2012 sang thị trường này là 14 tỷ USD sẽ về đích.


Dệt may luôn là mặt hàng chủ đạo xuất khẩu qua Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, dệt may luôn là mặt hàng chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, đặc biệt từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ tháng 10-2009 (giảm các loại thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật Bản xuống 0%) đã tạo cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.
Ngay cả khi Nhật Bản chịu tác động về thảm họa động đất-sóng thần, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản vẫn không giảm.
Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản đạt 142,62 triệu USD, tăng 14% so với tháng 1. Qua 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 265,8 triệu USD, tăng 33,59% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhật Bản là thị trường lớn đứng thứ ba trong số các thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và EU. Đứng ở vị trí số 1 là mặt hàng dầu thô với kim ngạch đạt 335,4 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thủy sản cũng là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 131 triệu USD trong 2 tháng qua, tăng 24,67%, đứng thứ 3 sau mặt hàng dệt may.
Sản phẩm giày dép của các DN xuất khẩu trong nước cũng đạt mức tăng trưởng cao và ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản, với mức tăng 17%, đạt 62,8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.
Theo ông Võ Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), nếu trước đây người Nhật sẵn sàng chi nhiều tiền mua các sản phẩm chất lượng cao thì hiện nay xu hướng tiêu thụ hàng phẩm cấp trung bình ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản, có 61 mặt hàng thủy sản và 15 sản phẩm nông sản được hưởng thuế 0%.
Đặc biệt, cà phê rang Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Ngoài ra, các mặt hàng như đồ gỗ, dệt may, cơ khí, cáp điện… sẽ tiếp tục có thế mạnh khi vào thị trường này do nhu cầu tiêu dùng của người Nhật Bản.
Cần hiểu biết văn hóa, tập quán kinh doanh
Tuy nhiên, dù nhiều tiềm năng nhưng khi xuất khẩu vào thị trường này DN Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là tiêu chuẩn kỹ thuật rất đặc thù trong lĩnh vực công-nông nghiệp; hệ thống phân phối phức tạp; các chi phí xúc tiến thương mại, điều tra thị trường rất cao; rào cản kỹ thuật đối với hàng thực phẩm khắt khe.
Do vậy, khi xuất khẩu vào thị trường Nhật, các DN cần nắm bắt thông tin thị trường và hiểu biết tập quán kinh doanh của người Nhật Bản (như thị hiếu tiêu dùng luôn thay đổi, văn hóa danh thiếp…).
Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản (như Thương vụ Việt Nam, JETRO, các hiệp hội ngành hàng); khai thác triệt để các ưu đãi do hiệp định thương mại song phương và đa phương mang lại; hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch tại Nhật Bản.
Các DN Nhật Bản rất coi trọng chữ “tín” trong quan hệ với DN đối tác và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong hợp đồng khi đã ký kết. Họ thường có quá trình tìm hiểu kỹ càng về đối tác tiềm năng trước khi có quyết định làm ăn lâu dài, dù đôi khi đơn hàng có khối lượng không lớn.
Bởi vậy, một số DN Việt Nam đã có kết quả kinh doanh tốt ở thị trường Hoa Kỳ, EU nhưng chưa có kết quả tương tự ở thị trường Nhật Bản.
Theo Bộ Công Thương, thị trường Nhật Bản năm 2012 tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ mở ra thuận lợi. Trong năm tới, thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp tục có nhiều thuận lợi.
Các mặt hàng xuất khẩu Nhật Bản cũng đang và sẽ có nhu cầu lớn như: thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, rau quả tươi và hoa tươi, hàng cơ khí gia dụng, nhựa gia dụng.
Ngoài ra, Việt Nam đang có thế mạnh về trình độ nhân lực trong hoạt động xuất khẩu phầm mềm. Đó chính là những cơ hội mà DN Việt Nam cần tận dụng.
Theo Đầu tư Tài chính

No comments:

Post a Comment