Ngày 29/6/2011, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề giai đoạn 2008-2010 và trao Giấy chứng nhận cho 30 cơ sở dạy nghề đạt tiêu chuẩn này ở cấp độ 3 năm 2010. Tham dự, có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, lãnh đạo TCDN và đại diện một số cơ sở dạy nghề trong cả nước.
Chương trình thí điểm KĐCLDN được triển khai thực hiện từ năm 2008, với sự tham gia của 76 cơ sở dạy nghề (trong đó có 46 trường CĐN, 6 trường TCN và 12 trung tâm dạy nghề), chiếm tỷ lệ 5,9% tổng số cơ sở dạy nghề trên cả nước. Kết quả, đã có 53 cơ sở dạy nghề (chiếm tỷ lệ 69%) đạt cấp độ 3, cấp độ cao nhất về chất lượng dạy nghề; 15 cơ sở đạt cấp độ 2 và 8 cơ sở đạt cấp độ 1.
Ông Nghiêm Trọng Quý, Phó Tổng cục trưởng TCDN cho biết, việc triển khai chương trình thí điểm trên là bước quan trọng để các cơ sở dạy nghề tự đánh giá hoạt động đào tạo của mình, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của mình trong cơ chế thị trường. Kết quả kiểm định sẽ cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu và kế hoạch hoạt động của các cơ sở, thực trạng chất lượng dạy nghề hiện nay, qua đó khuyến khích các cơ sở nâng cao chất lượng dạy nghề. Trên cơ sở bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đã ban hành, các trường có thể tự đánh giá, khắc phục tồn tại để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Đối với những trường đạt tiêu chuẩn ở cấp độ 3, Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên hỗ trợ như đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình giảng dạy, nâng cấp thành trường có chất lượng cao. Cùng với đó, khi đã đạt tiêu chuẩn kiểm định, các trường sẽ nhận được sự quan tâm của không chỉ người học, người sử dụng lao động mà còn cả xã hội. Kiểm định chất lượng là một nội dung bắt buộc được quy định trong Luật Dạy nghề, song với điều kiện như hiện nay của nước ta, chương trình mới chỉ được thực hiện thí điểm ở một số cơ sở dạy nghề tiêu biểu.
Tuy nhiên, cũng qua kết quả kiểm định, có thể thấy rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định còn chưa hoàn chỉnh, cần phải sửa đổi, bổ sung; đội ngũ kiểm định viên còn hạn chế về số lượng và chất lượng, mới chỉ được đào tạo ban đầu. Đặc biệt, tại các tiêu chí quan trọng, quyết định sự khác biệt giữa các cấp độ về kiểm định (giáo viên và cán bộ quản lý, chương trình và giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học), đa số các trường tham gia chưa đạt kết quả cao. Điều này cũng cho thấy, các trường chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên cơ hữu, thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo đáp ứng mục tiêu của mô đun môn học, chưa đáp ứng được số lượng đầu sách trung bình cho một người học...
Để tạo bước đột phá về chất lượng dạy nghề, nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, phục vự sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, TCDN đặt ra mục tiêu có khoảng 60% trường CĐN, TCN và 30% TTDN, 50% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng; đến năm 2020, có khoảng 90% trường CĐN, TCN, 70% TTDN và 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kiểm định chất lượng dạy nghề để người học, người sử dụng lao động và xã hội biết, tham gia giám sát chất lượng dạy nghề.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi thay mặt lãnh đạo Bộ đã trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ 3 năm 2010 cho 30 cơ sở dạy nghề. |
No comments:
Post a Comment