Friday, July 8, 2011

08/07 18.000 tu nghiệp sinh vẫn an toàn



08/07/2011 - 15:12:34
18.000 tu nghiệp sinh vẫn an toàn
Phần đông lao động Việt Nam tu nghiệp và làm việc ở miền Trung và Nam Nhật Bản, ngoài khu vực xảy ra thảm họa động đất và sóng thần.
Ngay sau khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở tỉnh Miyagi thuộc vùng Đông Bắc Nhật Bản vào sáng 11-3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tiến hành họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại đây. Trong khi đó,  Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã cấp tốc gửi công văn đến gần 100 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) có đưa tu nghiệp sinh (TNS) sang Nhật Bản đề nghị giải quyết vụ việc.


Chưa có rủi ro đáng tiếc
Trong 4 ngày qua, hầu hết các DN đã cử cán bộ phối hợp với các chủ sử dụng lao động rà soát lại toàn bộ lao động do mình đưa đi. Sáng 14-3, theo báo cáo ban đầu của Công ty CP Thương mại Châu Hưng, khoảng 300 TNS do công ty đưa sang Nhật Bản vẫn an toàn và đang tu nghiệp, làm việc bình thường. Số này chủ yếu ở Osaka, Tokyo, Nagano, ngoài khu vực của động đất và sóng thần. Công ty Sovilaco xác nhận 152 TNS và 59 kỹ sư, lao động kỹ thuật đang tu nghiệp và làm việc theo hợp đồng đều nằm ngoài tỉnh Miyagi và các địa phương lân cận như Fukushima, Ibaraki, Chiba, Kanagawa nên không bị ảnh hưởng gì.
Tracimexco cũng cho biết trước đây có đưa vài chục TNS sang Miyagi nhưng đã hết hạn hợp đồng về nước. Hiện khoảng 500 TNS của Tracimexco đang ở các tỉnh miền Trung và miền Nam vẫn bình an. Theo Tracimexco, phía chủ sử dụng lao động xác nhận không có trường hợp nào đi thăm thân, du lịch và bị kẹt lại ở tâm động đất -  thành phố Sendai và các huyện lỵ của Miyagi.
Còn 500 lao động do Trung tâm Lao động ngoài nước đưa sang Nhật Bản theo chương trình TNS của Hiệp hội Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Nhật Bản (IMM Japan) chủ yếu ở Nagano nên cũng tránh được rủi ro. Suleco là một trong những DN có đưa nhiều TNS sang Nhật Bản nhất, với hơn 1.000 người. Phần lớn số này đang lưu trú, tu nghiệp và làm việc ở các vùng khác ngoài vùng Đông Bắc và tỉnh Miyagi. Chỉ có 20 lao động làm việc ở một nhà máy gần Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (cách Tokyo khoảng 300 km) đã được chủ sử dụng lao động kịp thời sơ tán, đưa đi lánh nạn an toàn.
Trấn an gia đình người lao động và tu nghiệp sinh
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết đến ngày 14-3, theo báo cáo của Ban Quản lý lao động – Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, chưa có trường hợp nào tử vong hay mất tích liên quan đến lao động, TNS Việt Nam.
Dù vậy, trong những ngày qua, người thân, gia đình có con em sang Nhật Bản vẫn hoang mang, lo lắng cho tính mạng con em mình. Các DN đã tích cực liên lạc để kịp thời trấn an, động viên người lao động và gia đình. Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Suleco, cho biết trong 2 ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, cán bộ Suleco vẫn phải đi làm, công việc chính là gọi điện trực tiếp đến từng gia đình để thông báo tình hình lao động: “Mặc dù người lao động cũng đã báo về gia đình nhưng chúng tôi cũng phải thực hiện hết  trách nhiệm của mình, qua đó góp phần động viên các gia đình yên tâm”. Theo ông Tống Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Châu Hưng, phía công ty cũng đã thông báo đến 300 gia đình có con em đang ở Nhật Bản. Vài ngày tới, lãnh đạo công ty cũng sẽ sang Nhật Bản để thăm hỏi, động viên người lao động. 
Ông Nguyễn Thế Hiên, Tổng Giám đốc Sovilaco, thông tin thêm:  Song song với việc liên lạc thông báo tình hình TNS, lao động cho các gia đình, Sovilaco cũng phải trấn an, động viên những người đang tập trung chờ xuất cảnh. Theo ông Hiên, nhờ thông tin kịp thời nên không có sự xáo trộn tâm lý nào đối với những người chuẩn bị sang Nhật Bản. Trong số  41 TNS và 10 kỹ sư của Sovilaco dự kiến sang Nhật Bản vào ngày 31-3 tới, không có trường hợp nào dự định sang rút lui.

Sẵn sàng hỗ trợ các tu nghiệp sinh
Theo số liệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, hiện có khoảng 31.000 người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 18.000 TNS. Phần đông lao động, TNS Việt Nam tập trung ở miền Trung và Nam Nhật Bản, như Aichi, Nagano, Ishikawa, Osaka, Fukuoka, Okinawa, Nagasaki… nên tránh được rủi ro động đất và sóng thần vừa qua.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã chỉ đạo các DN liên hệ với đối tác Nhật Bản tìm hiểu thông tin về TNS, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Lao động – Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi sát diễn biến tình hình để kịp thời hỗ trợ TNS khi cần thiết. Cục cũng yêu cầu DN báo cáo kịp thời những phát sinh liên quan đến TNS Việt Nam cho Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Ban Quản lý lao động - Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để được hỗ trợ giải quyết.
NGUYỄN DUY

No comments:

Post a Comment