Friday, July 1, 2011

01/07 Hải Phòng: 6 tháng đầu năm mở 63 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn


Cập nhật ngày: 01/07/2011
Từ đầu năm đến nay, thành phố Hải Phòng đã mở 63/89 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, dự kiến hết tháng 6 sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của cả năm 2011. Do việc dạy nghề gắn với tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương nên thu hút học viên tham gia; số học viên có việc làm, tự tạo việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ cao (khoảng hơn 80%). Một số mô hình dạy nghề được triển khai có hiệu quả như trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh; nuôi trồng thủy sản…đang được nhân rộng ở các huyện Vĩnh Bảo, An Dương, Thủy Nguyên, Kiến Thụy và các quận Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An…Trong đó, mô hình trồng nấm ở huyện Vĩnh Bảo đạt hiệu quả cao do vốn đầu tư ít, thời gian thu hoạch nhanh, ít rủi ro và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội địa phương. Cùng với việc nhân rộng mô hình này, Sở LĐTB-XH bàn với chính quyền địa phương phương án bao tiêu sản phẩm cho bà con, tránh tình trạng “người người trồng nấm, nhà nhà trồng nấm”, trong khi sản phẩm bí đầu ra. Theo báo cáo của địa phương, hiện nay giá nấm linh chi thương phẩm là 600 nghìn đồng/kg nhưng không đủ nguồn cung cấp cho thị trường, do đó, bà con rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.


 Trưởng phòng Dạy nghề Nguyễn Hữu Cường cho biết, nhằm triển khai hiệu quả hơn Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2011, Sở LĐTB-XH tăng cường trách nhiệm của phòng LĐTB-XH các quận, huyện trong việc kiểm tra, xác nhận danh sách lao động nông thôn học nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp nhận, đối chiếu, xác nhận người thuộc diện ưu tiên theo quy định; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ và chất lượng đào tạo, số lượng người học, bảo đảm tỷ lệ lao động có việc làm ổn định sau đào tạo nghề đạt từ 85% trở lên.

Sở cũng yêu cầu các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố chủ động liên hệ với phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện về phương án tuyển sinh, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo, đồng thời tích cực bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, người dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, khi đào tạo nhóm nghề phi nông nghiệp, các cơ sở dạy nghề làm việc với UBND xã hoặc doanh nghiệp tiếp nhận lao động sau đào tạo để thống nhất phương án tuyển sinh, đào tạo và cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi đào tạo nghề.

 Cũng theo ông Nguyễn Hữu Cường, theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2011, sẽ có 8 xã thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã được mở 2 lớp dạy nghề. Hai huyện điểm là Vĩnh Bảo được mở 10 lớp và An Dương mở 12 lớp. Tính trung bình, mỗi năm, mỗi huyện được mở khoảng 4-5 lớp, mỗi lớp có khoảng 35 học viên. Trong khi đó, số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề ở huyện An Dương năm 2010 là hơn 35 nghìn người, ở huyện Vĩnh Bảo gần 23 nghìn người. Như vậy, số người được đào tạo nghề còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, thành phố cần quan tâm bố trí đủ kinh phí theo Quyết định số 1342 do Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người nông dân.

No comments:

Post a Comment