Friday, July 1, 2011

01/07 Tọa đàm khoa học “Ðổi mới và phát triển dạy nghề ở Việt Nam”


Cập nhật ngày: 01/07/2011
Sáng 22/6/2011, tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đổi mới và phát triển dạy nghề ở Việt Nam”.

Tham dự, có các đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên; Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam; Giáo sư Trịnh Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông; Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Dạy nghề, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và lãnh đạo 14 trường đại học, cao đẳng dạy nghề trong cả nước.



Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Huỳnh Tấn Việt cho biết: Trong những năm gần đây, Phú Yên đã xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội. Quy mô dạy nghề tăng nhanh, chất lượng và hiệu quả dạy nghề có chiều hướng chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành trung ương để tiếp tục triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo và dạy nghề để thu hút vốn, công nghệ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy nghề. Qua buổi tọa đàm, sẽ tìm ra giải pháp hữu hiệu, khoa học, cơ cấu tổ chức mạng lưới dạy nghề phù hợp, nhất là mạng lưới dạy nghề ở cấp huyện để triển khai thực hiện thắng lợi chiến lược đổi mới và phát triển sự nghiệp dạy nghề trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh, cuộc tọa đàm này góp phần giúp bộ sớm hoàn thiện Chiến lược dạy nghề trình Bộ Chính trị và Đề án Đổi mới phát triển dạy nghề trình Chính phủ. Thứ trưởng cho biết, hiện nay, vấn đề cần quan tâm là khắc phục những yếu kém trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới để thực hiện đột phá trong giáo dục đào tạo và dạy nghề; vai trò của doanh nghiệp gắn với đào tạo nghề trong tiến trình phát triển kinh tế; đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy gắn với thực hành để đủ điều kiện theo mục tiêu đề ra về phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Báo cáo tại buổi tọa đàm cho biết: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng ta xác định, đến năm 2020 phải có 70% lao động qua đào tạo, 55% qua đào tạo nghề. Chiến lược cũng xác định việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để đảm bảo mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam có trên 60 triệu lao động, chính vì thế yêu cầu đào tạo nghề là vô cùng cấp bách. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2010, cả nước có 123 trường cao đẳng nghề, 303 trường trung cấp nghề, 810 trung tâm dạy nghề, và hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề, trong đó có gần 200 cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các đơn vị, các trường đề nghị cần đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao và trình độ cao. Nâng cao nhận thức của các cấp ngành, doanh nghiệp và xã hội về dạy nghề; hoàn thiện hệ thống dạy nghề theo hướng thực hành và tăng cường phân luồng học sinh THCS, THPT vào học nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường xã hội hóa dạy nghề; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề theo nghề, cấp trình độ để tạo sự đột phá về chất lượng đội ngũ nhân lực kỹ thuật; xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở thành một chủ thể quan trọng trong đào tạo nghề; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề…

Kết luận tọa đàm, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã chốt lại những vấn đề liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, dạy nghề: Cần đổi mới cơ chế dạy nghề để giúp người học nghề tiếp cận nhanh nhất với nghề, nhất là những vấn đề cơ bản, nền tảng ban đầu. Để làm được điều này, các cơ quan, ban ngành hữu quan cần làm cho mọi người thấy được việc học nghề là có được tương lai rộng mở; việc đổi mới dạy nghề ở Việt Nam rất cần sự chung tay, góp sức tuyên truyền của tất cả các ban, ngành, đoàn thể...

No comments:

Post a Comment