Tuesday, October 4, 2011

04/10 Đi thực tập sinh Nhật về thành CEO

VŨ QUỲNH
04/10/2011 16:06 (GMT+7)
pictureThực tập sinh về nước tham gia buổi tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam - Ảnh: QL.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Mặc dù không phải là thị trường giải quyết được số lượng lớn lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, nhưng Nhật Bản được đánh giá là một thị trường đào tạo con người cả về trình độ chuyên môn và ý thức, tác phong của một lao động chuyên nghiệp.

Thế mới có chuyện, không ít lao động các nước sau 3 năm đi thực tập sinh tại Nhật Bản, hết hạn hợp đồng về nước, đã trở thành giám đốc điều hành (CEO) các chi nhánh, doanh nghiệp Nhật Bản trên chính quê hương mình.

Theo thống kê của Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), tại Indonesia, trong khoảng 30.000 lao động hết thời gian tham gia chương thực tập sinh tại Nhật về nước thì đã có đến 1.500 người là giám đốc điều hành những công ty với hơn 500 công nhân.

Con số này ở Việt Nam theo IM Japan là còn đang hạn chế, hiện cơ quan này mới ghi nhận được 2 trong số 200 lao động đã về nước đảm đương công việc này tại chi nhánh các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, ông Masumi Higuma, Trưởng đại diện IM Japan tại Việt Nam khẳng định, con số này chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới bởi mục tiêu của chương trình thực tập sinh không phải chỉ để đào tạo cá nhân. Và lao động Việt Nam cũng cần xác định, đi tu nghiệp Nhật Bản không phải để kiếm tiền mà là để học hỏi kinh nghiệm, tào tạo con người.

Anh Lê Văn Tiền, quê ở Ba Tri, Bến Tre vừa tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng, Tp.HCM. Năm 2007, khi IM Japan mang chương trình tuyển lao động đi thực tập sinh tại Nhật Bản về thí điểm tại Bến Tre, Tiền đã nộp hồ sơ và trúng tuyển.

Sang Nhật Bản, Tiền là công nhân đứng máy cho Ikeda Watanabe Kakinuma, một doanh nghiệp chuyên gia công khuôn dập kim loại. Sau ba năm học tập tại xứ sở hoa Anh Đào, năm 2010 Tiền về nước và được lãnh đạo công ty tin tưởng giao cho vị trí giám đốc điều hành khi doanh nghiệp này có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với vị giám đốc sinh năm 1983 bằng tiếng Nhật, đại diện của IM Japan tại Việt Nam nhận xét, tiếng Nhật được phân thành 4 cấp độ trong việc cấp chứng chỉ thì Tiền đạt khoảng cấp độ 2. Tuy nhiên, trong giao tiếp, Tiền nói tiếng Nhật như người bản địa.

Tiền cho biết, hồi mới sang anh cũng chỉ bập bõm được một số câu giao tiếp thông thường. Để giao tiếp được với môi trường mà 100% là người Nhật Bản, bắt buộc anh phải tìm cách tự học tiếng Nhật. Có thời gian thì anh đọc sách, học qua sách, qua mạng Internet. Tuy nhiên, học từ giao tiếp thực tế trong công việc vẫn là chủ yếu.

Tuy nhiên Tiền khoe, cái anh học được lớn nhất sau 3 năm tu nghiệp sinh ở Nhật Bản không phải là chuyên môn, trình độ tiếng Nhật mà chính là ý thức kỷ luật, có trách nhiệm với việc mình làm của một lao động.

Hiện, anh Lê Văn Tiền đang hoàn thành nốt những công việc cuối cùng để nhà máy gia công khuôn dập kim loại với diện tích trên 4.000 m2 tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương đi vào hoạt động.

Một lao động ở Bến Tre khác sau ba năm thực tập sinh tại Nhật Bản về nước “thành” CEO là anh Đỗ Phương Huy, sinh năm 1986.

Đầu năm 2011, anh Huy về nước và nhận vai trò là giám đốc điều hành cho Công ty TNHH Vtop Việt Nam, có trụ sở tại khu công nghiệp Long Định, Long Cang, tỉnh Long An, là công ty con của Kabushiki-kaisha Vtop Nhật Bản, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo nhựa.

Anh Huy cho biết, mặc dù không có bằng cấp của một trường đại học, nhưng những gì học hỏi được từ thực tế tại doanh nghiệp Nhật Bản khiến anh có thể tin tưởng vào khả năng điều hành doanh nghiệp của mình. Tại Nhật Bản, ngoài công việc chính là thợ dập khuôn, chế tạo các sản phẩm từ nhựa, thì Huy còn được tham gia những khóa học thêm chuyên về robot, máy ép nhựa và học cách quản lý doanh nghiệp của người Nhật Bản.

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN:

(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Nguyễn Minh Kỳ
    04:51 (GMT+7) - Thứ Tư, 12/10/2011
    Ý kiến của anh Phan Sơn Hà Tĩnh hoàn toàn chính xác. Nếu bạn đã từng làm cho các công ty của Nhật thì bạn cũng có cách nghĩ giống như vậy. 

    Tôi cũng có cảm giác là bài báo này hơi ngược với cách dùng người của người Nhật. Dù thế nào nếu bạn có cơ hội đi ra nước ngoài để học tập hay công tác thì hãy tận dụng cơ hội này, sẽ thu được nhiều trải nghiêm có ích cho tương lai.
  • Dương Quang Minh
    11:26 (GMT+7) - Thứ Năm, 6/10/2011
    Tôi không rành lắm về thị trường lao động Việt tại Nhật nhưng qua ý kiến của anh Phan Sơn Hà Tĩnh, tôi thấy ý kiến này cũng đáng để suy nghĩ.
  • Phan Sơn Hà Tĩnh
    09:16 (GMT+7) - Thứ Tư, 5/10/2011
    Tôi có nhiều băn khoăn khi đọc bài viết này. 

    Trước hết phải nói rằng hầu hết những tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật đều làm công nhân, đứng máy, rất ít ai được làm việc trong các bộ phận mang tính chất quản lý như khối kinh doanh, nhân sự hay hành chính tổ chức. 

    Việc làm việc như một công nhân trong 3 năm sau đó trở về Việt Nam làm CEO thì họ lấy đâu ra kiến thức để điều hành ?Và điều này có thực sự thuyết phục. 

    Thứ hai, người Nhật rất thận trọng, họ ít khi giao việc điều hành doanh nghiệp cho người Việt, có chăng chỉ là trưởng một bộ phận nào đó. 

    Thứ ba, người Nhật thường có nhiều nghi ngại đối với người trẻ, họ coi trọng kinh nghiệm.Do đó việc họ giao điều hành doanh nghiệp cho một người trẻ dưới 30 tuổi là điều khó xảy ra. 

    Thứ tư, trong số hàng chục nghìn tu nghiệp sinh sang Nhật mỗi năm, bài báo chỉ dẫn ra được 2 trường hợp (chưa thực sự rõ ràng), chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Nhưng tiêu đề bài báo lại đề “Đi thực tập sinh Nhật về thành CEO “. 

    Có thể hiểu mục đích của bài viết nhằm cổ động cho việc đi tu nghiệp sinh ở Nhật, tuy nhiên những thông tin mà bài báo đưa ra thì không thuyết phục, đặc biệt với những người đã từng làm cho Nhật, hiểu rõ cách thức quản lý dùng người của họ. 

    Tuy nhiên một điều có thể khẳng định là nếu như đã có cơ hội được trải nghiệm trong môi trường làm việc của Nhật Bản, các tu nghiệp sinh sẽ được rèn luyện tác phong công nghiệp, tính kỉ luật và trách nhiệm đối với công việc.

No comments:

Post a Comment