Từ nhiều năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và đặc biệt là lao động nghèo nói riêng của Bến Tre, luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm được kéo giảm trung bình 2% là sự cố gắng lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, giải pháp xuất khẩu lao động dường như còn “yên lặng”.
Xóa bỏ rào cản
Những người trong diện đi xuất khẩu lao động thường là những thanh niên tuổi đời dưới 35. Ngoài số người đang “vướng” gia đình, thì đa số những người còn lại đều rơi vào một trong những trường hợp như: học vấn thấp, sợ xa quê hương, lười lao động và không có tiền làm thủ tục xuất cảnh… Bên cạnh đó là việc hạn chế thông tin.
Mặc dù trong những năm qua, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Bến Tre đã có nhiều cố gắng xuống tận xã, ấp để trực tiếp tiếp xúc với người lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho họ, nhưng “lực bất tòng tâm”. Bởi lẽ ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng chưa có ai gỡ được rào cản “tiền”. Tiền làm thủ tục đi các nước ít nhất cũng vài chục triệu đồng - quá lớn đối với những hộ nghèo.
Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Bến Tre luôn tìm cách tháo gỡ để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ năm 2011, mà chủ yếu là tìm đầu mối cho người nghèo xuất khẩu lao động. Qua đó về lâu dài, họ có thể thoát nghèo căn cơ, bền vững.
Đến thời điểm này, Trung tâm đã làm việc với nhiều đối tác để tìm hiểu những điều kiện phù hợp nhất nhằm hỗ trợ người nghèo xuất khẩu lao động. Đó là, người lao động có thể đi làm ở nước ngoài, mà không bận tâm lắm đến việc tiền bạc.
Tiếp cận nguồn thông tin mới
Trong chuyến công tác mới đây, Ban Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bến Tre đã làm việc với Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ nhân lực Toàn Cầu - GMAS (TP Hồ Chí Minh).
Ông Đàm Trung Bắc - Tổng Giám đốc GMAS, cho biết rất nhiều nội dung hoạt động tuyển dụng lao động xuất khẩu của GMAS, trong đó có một điều mà đoàn Bến Tre rất quan tâm là khi người lao động tham gia xuất khẩu lao động để làm việc tại Công ty Điện tử Jabil Việt Nam, thì sẽ không phải mất khoản chi phí làm thủ tục, mà chi phí đó được khấu trừ dần vào lương của người lao động trong 12 tháng đầu làm việc. “GMAS ký hợp đồng lao động, trả lương, phụ tiền trợ cấp, tiền thưởng, hỗ trợ tiền ăn ca, tiền ở, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc, bảo hiểm các loại và quản lý những vấn đề khác có liên quan…” - ông Đàm Trung Bắc cho biết.
Đó cũng là nội dung cốt lõi của Dự án tuyển dụng và quản lý lao động theo mô hình Outsourcing tại Công ty Điện tử Jabil Việt Nam. Công ty Điện tử Jabil là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, có chủ sở hữu là người Mỹ. Công ty mẹ đặt tại Malaysia và công ty con đặt tại quận 9 - TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm của Jabil được xuất sang thị trường Mỹ.
Do nhu cầu mở rộng sản xuất trong 5 năm sau, với 3.000 nữ công nhân Việt Nam làm việc tại các phân xưởng sản xuất ở quận 9 - TP Hồ Chí Minh, nên Jabil liên kết hợp tác với GMAS.
Có 2 phương án tuyển dụng, gồm: một là, GMAS ký hợp đồng lao động với người lao động, đưa vào làm việc tại công ty con ở Việt Nam. Hai là, GMAS ký hợp đồng và tuyển lao động đi Malaysia đào tạo trong 2 năm; sau đó, người lao động về nước và ký hợp đồng lao động với GMAS để vào làm việc lâu dài cho Jabil ở Việt Nam.
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số công nhân đang làm việc trong Công ty Jabil Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Các chị vừa từ Malaysia về Việt Nam một vài tuần lễ, với các chức vụ chuyền trưởng, tổ trưởng. Họ là những người có quê quán từ các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, đã làm việc tại Malaysia trong 2 năm trước.
Điều ghi nhận của chúng tôi là, họ mong mau hết hạn để “bay” trở lại Malaysia. Bởi lẽ: “Ở bên ấy, kỹ luật lao động và điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt hơn ở đây” - chị Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ. Hay như chị Hoàng Thị Cảnh: “Dành dụm, mỗi tháng, em cũng gửi về cho gia đình bốn, năm triệu đồng - tất nhiên là khi sống xa nhà, em đã lấy công việc làm niềm vui!”
Như vậy, lao động nghèo Bến Tre đã có lối thoát, nếu chọn con đường xuất khẩu như GMAS đã làm! |
No comments:
Post a Comment