Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm ổn định, nâng cao đời sống và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Căn cứ vào những định hướng cơ bản của tỉnh, thành phố về “một số chủ trương, biện pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”, các ngành chức năng của thành phố và các xã, phường đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của người lao động trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề; xây dựng chương trình và nội dung học tập thiết thực cho từng nhóm đối tượng; tăng cường liên kết trong việc chuyển giao - tiếp nhận tri thức, kỹ thuật, sử dụng lao động qua đào tạo, tiêu thụ sản phẩm của lao động trong và sau khi đào tạo nghề. Mỗi năm thành phố dành một khoản ngân sách nhất định cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm, đồng thời tổ chức khảo sát nắm chắc thực trạng lao động, việc làm tại các xã, phường và thực trạng sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp và các đơn vị tuyển dụng lao động. Trên cơ sở đó, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa dạng hoá các ngành nghề, nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động.
Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn trong công tác đào tạo và chuyển đổi nghề cho nông dân do một số địa phương không có trung tâm dạy nghề, các lớp dạy nghề đa phần là phải mượn trụ sở một số cơ quan, đơn vị; nhưng các hình thức dạy nghề cho nông dân trên địa bàn luôn đa dạng, như: Dạy nghề tại chỗ, dạy nghề lưu động, lấy nông dân dạy nông dân, học trực tiếp tại đồng ruộng, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức KH-KT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho chính mình, cũng như nhiều lao động khác. Số lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động. Đặc biệt, từ cuối năm 2006, nhằm khắc phục tình trạng thiếu tập trung trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức thành công các chợ phiên việc làm, thu hút được hàng nghìn lao động tham gia phỏng vấn, tìm việc; đã có trên 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động và trên 1.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động thất nghiệp tại địa phương.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực chăm lo công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nên từ năm 2006 đến nay, Móng Cái đã giải quyết được việc làm cho trên 1 vạn lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 60%; tăng thời gian lao động khu vực nông thôn lên gần 90%; xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả... Kết quả này góp phần rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố những năm qua. |
No comments:
Post a Comment