Friday, August 19, 2011

19/08 Bình Duơng: Phát triển nguồn nhân lực là vấn đề then chốt


Cập nhật ngày: 19/08/2011
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nằm trong top dẫn đầu cả nước, vì thế việc đảm bảo cung ứng nguồn lao động có chất lượng, đã qua đào tạo là vấn đề then chốt không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mà còn là lợi thế cạnh tranh quan trọng để thu hút đầu tư.

 Trung bình hàng năm, tỉnh thu hút từ 400-500 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng nhu cầu của các thành phần kinh tế từ 40-50 ngàn lao động. Trong khi đó, số lao động tại địa phương mới chỉ đáp ứng được 50%. Sức ép thiếu hụt lao động buộc các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm lao động.


Theo báo cáo của Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) tỉnh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các đoàn về các địa phương để tuyển chọn lao động. Bằng hình thức này, 4 năm qua, đã có khoảng 150 ngàn lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc và sinh sống. Bên cạnh việc chủ động tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp ngày càng ý thức hơn trong việc chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tại Công ty Liwaway hiện có 700 lao động thu nhập ổn định, được trợ cấp tiền xăng đi lại, tiền thuê nhà trọ. Còn tại Công ty RK Resources (huyện Bến Cát), sau tháng đầu tiên thử việc (lương 3 triệu đồng/tháng), người lao động sẽ được ký hợp đồng, bảo đảm đầy đủ quyền lợi, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng, được bố trí chỗ ở miễn phí trong ký túc xá tiện nghi, có nhà giữ trẻ dành cho con công nhân...

Trong công tác đào tạo nghề, tỉnh cũng dành nhiều sự quan tâm đầu tư, coi phát triển nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế- xã hội. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được hai hệ thống dạy nghề: Đại trà (gồm các trung tâm dịch vụ việc làm, trường dạy nghề dân lập, trung tâm dạy nghề của các đoàn thể, các trường cao đẳng, đại học, trung cấp, các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống có dạy nghề) và hệ thống trường, trung tâm dạy nghề chất lượng cao gồm các trường dạy nghề của tỉnh, trường dạy nghề trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, trung tâm dạy nghề chất lượng cao. Hai hệ thống đào tạo này là điều kiện để tăng cơ hội học nghề cho mọi đối tượng có nhu cầu, từ đó từng bước phổ cập nghề, đào tạo được nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cung ứng cho thị trường lao động, chủ yếu cho các KCN.

Hiện toàn tỉnh có 42 cơ sở dạy nghề, với khoảng 1.700 giáo viên, trong đó có 90% là giảng viên đạt chuẩn. Ngành nghề đào tạo khá đa dạng, trong đó có một số ngành then chốt như tin học viễn thông chiếm 21,34%; chế tạo vận hành máy móc thiết bị chiếm 18,54%; y dược 11,68%; kinh tế chiếm 10,24%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh năm 2005 đạt 38%, năm 2009 đạt 55%, đến năm 2010 tăng lên 60%.

Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương cần khoảng 150-200 lao động, bao gồm các ngành như may mặc, sản xuất giày, chế biến gỗ, lương thực, thực phẩm, điện - điện tử, cơ khí, điện máy, gốm sứ, gạch, thực phẩm, giải khát…Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực giai đoạn này là 5.896 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho giáo dục 3.913 tỷ đồng, đào tạo nghề 763 tỷ đồng và đào tạo nguồn nhân lực 1.220 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bình Dương đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực nhằm kết nối thông tin từ các cơ sở đào tạo với người lao động, cơ hội tìm kiếm việc làm từ các doanh nghiệp đến người lao động. Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề; hướng nghiệp cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay trước khi nhập trường và chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, coi đây là công việc thường xuyên của DN và các cơ sở đào tạo, tư vấn…

No comments:

Post a Comment