Cập nhật ngày: 16/08/2011 | |
Đã có 26 doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ đặt hàng trường Cao đẳng Nghề tỉnh để đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy công tác đào tạo nghề đã có sự “bắt tay” giữa doanh nghiệp với nhà trường. Tìm đúng địa chỉ Trong thời gian gần đây, đã có rất nhiều “cái bắt tay” giữa các trường dạy nghề và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng với nhu cầu thực tế của xã hội. Tại buổi làm việc giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Nghề tỉnh với công ty TNHH Vietubes (khu công nghiệp Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) mới đây cho thấy, “bài toán” về đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu xã hội đã có lời giải. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Vietubes cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ cho ngành dầu khí như: Ren, gia công, sửa chữa, phục hồi, kiểm tra, kiểm định các loại ống chống, cần khoan và sản xuất các loại khớp nối, đầu nối và các phụ kiện phục vụ cho ngành khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Nhu cầu nguồn lao động kỹ thuật cao, được đào tạo bài bản để đáp ứng quy trình sản xuất nghiêm ngặt của doanh nghiệp là rất lớn. Hàng năm, Vietubes phải bỏ ra một nguồn kinh phí rất lớn, từ 300 triệu trở lên để đào tạo lại lao động khi tuyển dụng mới. “Chính vì vậy, công ty sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ với nhà trường trong công tác đào tạo, chẳng hạn như nhận học sinh – sinh viên vào thực tập hàng năm. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho các giáo viên của nhà trường tìm hiểu máy móc, công nghệ mới để soạn giáo trình giảng dạy phù hợp”, ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết. Mới đây, tại hội thảo “Kết nối nhà trường với doanh nghiệp” do trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu tổ chức, đa số các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp khẳng định, họ sẵn sàng hợp tác với nhà trường trong quá trình đào tạo học sinh – sinh viên. Ông Dương Ngọc Phương, Giám đốc khách sạn Palace (TP. Vũng Tàu) cho biết, 95% nhân viên của khách sạn Palace là học sinh – sinh viên tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu. Tuy nhiên, khi tiếp nhận một học sinh – sinh viên mới ra trường, ít nhất đơn vị phải đào tạo 1, 5 năm mới đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, để phù hợp với thực tiễn, nhà trường cần phải cập nhật thường xuyên các thông tin hoạt động của các cơ sở du lịch, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng thực tế cho học sinh – sinh viên. Còn theo bà Nguyễn Thị Út, Tổng giám đốc khách sạn Grand cho rằng, các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với nhà trường để tạo điều kiện cho học sinh – sinh viên học tập, thực hành các kỹ năng thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải nhanh chóng nắm bắt các nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp để có những chương trình đào tạo phù hợp. Gắn kết nhà trường với doanh nghiệp Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần hơn 130.000 lao động có tay nghề, nhất là các ngành cơ khí động lực hoặc hàn, tiện, phay, bào. Từ nay đến năm 2015, bình quân mỗi năm nhu cầu lao động cho toàn địa bàn tỉnh vào khoảng 20.000 người, trong đó, chủ yếu cung ứng cho các khu công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, hiện số lao động được đào tạo từ các trung tâm dạy nghề của tỉnh mới chỉ được khoảng 3.000-4.000 người/năm, chủ yếu là trình độ sơ cấp đến trung cấp, thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên, ngành nghề đào tạo phần nhiều là cơ khí, may mặc, điện, tiện, hàn… Số lao động này mới chỉ đảm đương được những công việc đơn giản chứ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc có tính chất phức tạp. Do nguồn nhân lực kỹ thuật cao không đáp ứng đủ nhu cầu nên trong các nhà máy công nghiệp hiện nay xuất hiện tình trạng “chảy” lao động từ nơi này sang nơi khác, từ nơi có thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao, từ các nhà máy sản xuất trong nước sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực trạng này báo động một yêu cầu thực tế là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải có chiến lược kịp thời về đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, không chỉ là đón đầu mà còn để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu hụt lao động hiện đã xảy ra. Ngay trong năm 2011, để xác định rõ nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng trường Cao đẳng Nghề tỉnh khảo sát tại 100 doanh nghiệp. Ông Lê Duy Cầu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề tỉnh cho biết: “Dựa trên cơ sở thực tế này, ngay trong năm học 2011-2012, nhà trường sẽ có điều chỉnh phù hợp trong việc đào tạo, hướng đến ngành nghệ trọng tâm, hạn chế việc đào tạo tràn làn. Qua đó không chỉ đón đầu được những ngành nghề có triển vọng mà còn định hướng phát triển kinh tế xã hội đang hướng đến”. Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu, trong những năm gần đây cũng đã có sự gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp thông qua việc mời các cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy. “Mỗi khóa của lớp quản lý khách sạn – nhà hàng đều mời ít nhất 1 giám đốc doanh nghiệp du lịch có kinh nghiệm tới dạy hoặc trao đổi kinh nghiệm. Ngoài ra, nhà trường có chủ trương tăng cường thêm thời lượng học ngoại ngữ gấp 2 lần so với chương trình khung”, bà Đinh Bích Diệp, Quyền Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu cho biết. |
Tuesday, August 16, 2011
16/08 Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp “bắt tay” trường nghề trong đào tạo lao động
Labels:
Baria Vungtau,
MOLISA,
taphuan,
Training Center,
truong huan nghe
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment