07:41 | 05/12/2011
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được Quốc hội phê duyệt năm 2006, cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác bảo vệ người lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là lao động nữ còn hạn chế.
Hệ thống chính sách, pháp luật chưa thống nhất
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ, TB và XH, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, lao động nữ làm việc trong các ngành phục vụ cá nhân và xã hội chiếm 52,9%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 1,10%, thủy sản 0,13%... Thực tế cho thấy, số lao động nữ Việt Nam làm việc tại các quốc gia như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ảrập Xêút… luôn được đánh giá cao về đức tính chăm chỉ, cần cù, chịu khó, nhưng đa số lao động nữ có xuất thân từ khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, kỹ năng lao động chưa cao. Phần lớn các nơi tiếp nhận lao động đều chưa có quy định riêng cho lao động nữ, đặc biệt là lao động thuộc ngành dịch vụ xã hội, trong khi lao động nữ Việt Nam chủ yếu làm trong ngành này. Ngoài ra, việc tuyển chọn, dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết của một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa được quan tâm, chú trọng. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng còn hạn chế, lao động thiếu thông tin.
Trưởng phòng Lãnh sự ngoài nước, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lê Vũ Hà nêu dẫn chứng, nhiều lao động nữ giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút bị chủ bắt làm thêm giờ, ngược đãi, đánh đập, đuổi khỏi nhà nhưng do bất đồng ngôn ngữ, người lao động không biết gọi cảnh sát can thiệp. Có người gọi đến Đại sứ quán kêu cứu, nhờ giúp đỡ nhưng khi hỏi đang ở đâu, địa chỉ nào thì không cung cấp được thông tin. Phó trưởng phòng Thanh tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước Trần Anh Thư cho rằng, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xuất khẩu lao động từng bước hoàn thiện nhưng chưa thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương. Tại một số địa phương, công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động. Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động ở nước ngoài chưa kịp thời trong việc xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, đặc biệt ở những thị trường chưa có Ban quản lý lao động ngoài nước.Lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn khi làm việc ở nước ngoài
Theo Ban Chính sách- Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1990 đến nay, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được các tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động thông qua các hợp đồng ký với đối tác nước ngoài hoặc hợp đồng thầu khoán công trình ở nước ngoài. Việc giám sát, kiểm tra bảo vệ lợi ích của người lao động chủ yếu do các tổ chức kinh tế đó thực hiện. Do đó, tổ chức công đoàn chỉ thực hiện việc giám sát thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và qua việc tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các hoạt động giám sát, kiểm tra của công đoàn cơ sở đối với các tổ chức kinh tế tuy có được thực hiện nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.
Để bảo đảm việc làm bền vững cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bên cạnh việc mở thêm các Ban quản lý lao động ngoài nước đã có, Nhà nước đang tiếp tục mở thêm các Ban quản lý, cử thêm cán bộ đại diện quản lý lao động tại các thị trường mới. Đồng thời, liên tục củng cố và nâng cao năng lực các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của các nước nhận lao động Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa đại diện sang quản lý, hỗ trợ người lao động; chú trọng phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp thẩm định kỹ các hợp đồng… Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, Tổng liên đoàn đang kiến nghị Chính phủ cho phép cử cán bộ công đoàn sang những nước hiện có nhiều lao động Việt Nam làm việc để cùng với đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước bảo vệ quyền lợi cho lao động của nước mình khi làm việc ở nước ngoài.
Xuất khẩu lao động là giải pháp góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người lao động làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động có thời hạn đang gặp rất nhiều rủi ro do chưa được tổ chức công đoàn trực tiếp bảo vệ. Do vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động, tăng cường cán bộ nữ cho các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài; chú trọng việc phổ biến rộng rãi thông tin về xuất khẩu lao động trên phương tiện truyền thông đại chúng cho người lao động. Đối với các cấp chính quyền ở địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ cần nâng cao vai trò trong việc hoạt động giáo dục, tuyên truyền… nhằm bảo vệ người lao động đang làm việc tại nước ngoài, nhất là lao động nữ được tốt hơn.
Vi Hoa
No comments:
Post a Comment