Tuesday, September 27, 2011

27/09 Góp ý về một số nội dung quan trọng của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi


Cập nhật ngày: 27/09/2011

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho một số nội dung quan trọng của Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

 BLLĐ sửa đổi là một văn bản pháp luật rất lớn gồm 17 chương với gần 300 điều, do đó, Ban Tổ chức hội thảo đã lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng để đưa ra thảo luận, đó là: Vấn đề việc làm và tiền lương; quan hệ lao động; an toàn và vệ sinh lao động, vấn đề lao động nữ và một vài lao động đặc thù (người cao tuổi và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao).


Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những nội dung đang có những ý kiến khác nhau hoặc có những đề xuất, gợi mở mới như: Vấn đề thất nghiệp, thị trường lao động, thời giờ làm việc, thời giờ làm thêm, vấn đề định nghĩa tiền lương và lương tối thiểu; Vấn đề phạm vi điều chỉnh của BLLĐ đối với những lao động không có quan hệ lao động; vai trò của tổ chức Công đoàn và việc thành lập Ban đại diện tập thể lao động trong nhóm chuyên đề quan hệ lao động; các vấn đề về nghỉ thai sản, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nói chung và lao động nữ nói riêng; vấn đề cách tiếp cận đối với lao động cao tuổi, lao động kỹ thuật cao và một số vấn đề về ATVSLĐ…

Theo TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, cần bổ sung qui định về thông tin thị trường lao động; tổ chức vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin về lao động, việc làm cho hệ thống thông tin thị trường lao động; cần có qui định bắt buộc các doanh nghiệp báo cáo về tăng giảm lao động và nhu cầu tuyển dụng.

Về các qui định về tiền lương, TS Điều cho rằng, vẫn phải có qui định về lương tối thiểu chung và khái niệm lương tối thiểu qui định tại điều 56 cũ là rất phù hợp, cần phải được giữ lại; cần qui định bắt buộc doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo nguyên tắc do Chính phủ qui định. Khoản 3, Điều 99 Dự thảo BLLĐ sủa đổi qui định ngừng việc vì lý do kinh tế thì tiền lương ngừng việc do 2 bên thỏa thuận cần bỏ cụm từ “vì lý do kinh tế” vì qui định này dễ bị người sử dụng lao động lợi dụng để dừng sản xuất và trả lương ngừng việc cho người lao động, ví dụ không có đơn hàng, hàng bán không chạy, lãi suất huy động vốn cao, không tuyển đủ lao động, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá vàng tăng…

Về vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các đại biểu cho rằng, so với yêu cầu quốc tế và khu vực trong tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, công tác ATVSLĐ của nước ta còn nhiều vấn đề chưa được đề cập tới trong các văn bản pháp luật, chưa bao phủ được tới tất cả các đối tượng lao động. Ví dụ, khu vực lao động cá thể, lao động không có quan hệ lao động, lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề…Do đó, cần phải tăng cường công tác ATVSLĐ, cần có một luật riêng về vấn đề này để có thể bao quát toàn bộ các đối tượng mà các luật khác chưa qui định, và qui định công tác này một cách có hệ thống, hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của việc hội nhập quốc tế. Trước mắt, khi chúng ta chưa có luật riêng về ATVSLĐ thì chương về ATVSLĐ trong Luật Lao động cũng cần phải được điều chỉnh để bổ sung những vấn đề mới, quan trọng, giảm các bất hợp lý và khoảng trống nêu trên, đáp ứng được các yêu cầu của các công ước mà nước ta đã ký phê chuẩn. Khi xây dựng Luật ATVSLĐ thì nó sẽ là bộ khung của Luật này.

Bình luận về qui định lao động nữ trong dự thảo BLLĐ sửa đổi, TS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng bộ môn Luật Lao động, Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng cần có những luận cứ thuyết phục về mặt khoa học và thực tiễn để minh chứng cho sự cần thiết và tính khả thi của việc đưa ra những qui định mới; cơ sở khoa học (kinh tế, y học, xã hội…) cho việc điều chỉnh qui định pháp luật. Ví dụ việc tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên sự đánh giá đầy đủ về yếu tố y học, tâm, sinh lý chưa?; Đánh giá tác động của qui định pháp luật một cách thực chất với đời sống kinh tế, xã hội; lao động, việc làm; quyền và nghĩa vụ chủ thể; khả năng thực thi qui định trong thực tế. Chẳng hạn việc tăng thời gian nghỉ thai sản có ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp? Qui định này là một ưu đãi hay có thể dẫn đến phân biệt đối xử với chính lao động nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng tới BHXH hoặc chính sách việc làm, lao động ra sao?

Cũng theo TS Chí, với tư cách là đối tượng lao động “đặc thù” – lao động nữ, lao động cao tuổi, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao bên cạnh các qui định chung, BLLĐ còn có những qui định riêng phù hợp với từng loại đối tượng này. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật lao động cho thấy còn nhiều bất cập nên chưa huy động và sử dụng nguồn nhân lực này theo nghĩa vừa hiệu quả, vừa tính đến các yếu tố đặc thù về giới, sức khỏe, các giá trị tinh thần… Lao động cao tuổi, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có vẻ như không phải là vấn đề “nóng” của pháp luật cũng như trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng đây là lực lượng lao động mặc dù không phải là số đông, nhưng có những ảnh hưởng nhất định về kinh tế - xã hội và khác với tất cả đối tượng lao động khác là với họ, tham gia quan hệ lao động không phải thuần túy là vấn đề công ăn, việc làm mà là nhu cầu được cống hiến, được tôn trọng. Tất cả những điều đó cho thấy qui phạm pháp luật điều chỉnh đối với họ phải có những “đặc thù” so với đối tượng lao động nói chung do BLL Đ điều chỉnh.

No comments:

Post a Comment