Thứ Năm, 29/09/2011 06:11
(NLĐO) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân đã khẳng định như trên với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 28-9.
Người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được nâng lương tối thiểu từ ngày 1-10-2011
Sở dĩ đại diện Bộ LĐ-TB-XH phải tái khẳng định điều này vì trong ngày 28-9, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) tại TPHCM, nhất là DN trong các KCX-KCN TP, đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị trả lời: DN phải nâng lương tối thiểu cho người lao động (NLĐ) vào ngày 1-10 hay 31-10?
Có tình trạng này là vì trước đó, theo Nghị định 70/CP của Chính phủ, từ 1-10, các DN phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Tuy nhiên, vào ngày 16-9, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư 23 hướng dẫn thi hành Nghị định 70/CP, trong đó, tại điều 5 về “hiệu lực thi hành” quy định “Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31-10-2011”. Điều này dẫn đến việc hiểu lầm thời gian thực hiện lương tối thiểu mới là 31-10-2011.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, nhấn mạnh: “DN phải trả lương tối thiểu mới cho NLĐ từ 1-10 chứ không phải là 31-10. Thời điểm áp dụng này cũng được ghi rõ trong thông tư. Còn sở dĩ hiệu lực thi hành của thông tư đề ngày 31-10 là do điều kiện lấy ý kiến các cơ quan liên quan khá công phu, mất thời gian nên thông tư ban hành chậm. Thời hạn này không ảnh hưởng gì đến thời gian áp dụng lương tối thiểu mới để tính cho NLĐ”.
N.Quyết
[Quay lại]- song ve dau28/09/2011 19:02Nâng lương cho người lao động là giúp người lao động vượt qua cuộc sống khó khăn hiện nay là trách nhiệm đúng đắn của Chính phủ. Nhưng đồng lương của người lao động mãi cứ chạy theo vật giá hiện nay thì thật là một điều thấy không ổn, cơ bản là phải ổn định được giá cả thị trường chống lạm phát thì người lao động mới thật sự an tâm làm việc. Nếu tình hình lạm phát không giảm thì việc nâng lương không còn có ý nghĩa gì cả.
- Đỗ Tuấn Anh28/09/2011 20:32Xin cám ơn lời khẳng định này của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH. Người lao động trông chờ và hy vọng cái ngày 01 tháng 10 năm 2011 đến từng phút từng giây, động lực của nghị định 70/CP đã tạo ra sức bật mới cho người lao động nghèo rất nhiều, nếu ai đã từng được chứng kiến và tham gia vào các buổi ăn của người lao động chỉ có chén nước tương và bó rau luộc cho qua kiếp người thì mới thấm thía được chiều sâu của Nghị định 70/CP. Kính mong các giới chủ hãy chia sẻ miếng cơm manh áo cho người lao động dù có bị thiệt thòi đôi chút về quyền lợi.
- Hải Nam28/09/2011 22:29Từ trước tới nay là cứ lạm phát thì ra quyết định tăng lương với lý do rất hợp đạo lý là thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của người lao động, làm như doanh nghiệp là nguồn tài chính vô tận, hoặc nếu không phải vậy thì đó là theo kiểu bắt ép chẳng cần biết doanh nghiệp có khả năng chịu đựng chi phí nhân công đến độ nào là giới hạn cuối cùng. Trong tất cả các luận cứ đưa tới việc tăng lương không thấy có bất kỳ một con số thống kê nào về mức chi phí nhân công mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được đối với từng ngành hàng, rồi cũng không thấy có so sánh với chi phí nhân công ở các nước khác xem xem với mức tăng lương như thế này thì chi phí nhân công của VN là cao hay thấp, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh là như thế nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu chi phí nhân công cao hơn sức chịu đựng của doanh nghiệp ? Điều gì sẽ xảy ra nếu chi phí nhân công của VN không còn đủ cạnh tranh trên thương trường nước ngoài ? Đề nghị các nhà quản lý hãy suy cho thật kỹ.
- sanh29/09/2011 10:03... Chưa kịp tăng lương mà vật giá đã tăng vù vù trước ta một bước. Sợ tăng rồi không hiểu vật giá sẽ như thế nào nữa.
- Cong chức nghèo29/09/2011 16:28Còn lương của cán bộ công chức thì sao? Bao giờ được tăng? Tăng bao nhiêu?